Khi thực hiện thu hay chi một khoản tiền giao dịch nào đó qua ngân hàng thì tổ chức, doanh nghiệp sẽ phải trả một khoản phí gọi là phí chuyển tiền cho ngân hàng. Phí chuyển tiền tùy theo từng trường hợp mà các đối tượng sẽ hạch toán khác nhau bởi nó tùy thuộc vào việc người chịu phí là nhà cung cấp hay khách hàng. Trong bài viết hôm nay, chúng tôi sẽ chia sẻ đến các bạn cách hạch toán phí chuyển tiền qua ngân hàng qua 2 trường hợp là hạch toán phí chuyển tiền do người chuyển chịu phí khi trả tiền cho nhà cung cấp và hạch toán phí chuyển tiền do người thu tiền chịu phí khi thu tiền khách hàng.
Hạch toán phí chuyển tiền qua ngân hàng đối với người chuyển chịu phí
Tùy thuộc vào từng ngân hàng sẽ có mức phí chuyển tiền khác nhau, căn cứ vào giá trị tiền chuyển và số lần chuyển trong ngày. Giá trị tiền chuyển thông thường nếu từ 100 ngàn cho đến 100 triệu thì mức phí phải trả cho ngân hàng tối đa sẽ là 22 ngàn/lần.

Ví dụ khi phải thanh toán cho nhà cung cấp số tiền 189 triệu, phí chuyển tiền ngân hàng là 11 ngàn thì thực hiện hạch toán như sau:
- Nợ TK 331/ Có TK 112: 189 triệu
- Nợ TK 6428/ Có TK 112: 11 ngàn
Trong trường hợp nếu các bạn lập chứng từ Ủy nhiệm chi, thì khi hạch toán phải thêm dòng phí chuyển tiền phía dưới. Còn nếu trong trường hợp các bạn lập chứng từ Ủy nhiệm chi trả tiền nhà cung cấp, thì khi hạch toán phí chuyển tiền qua ngân hàng phải nhớ lập thêm chứng từ Ủy nhiệm chi mới.
Dựa trên Thông tư 200/2014/TT – BTC thì
- TK 331 là tài khoản mà doanh nghiệp phải thanh toán cho người bán như hàng hóa, người cung cấp dịch vụ, các khoản đầu tư tài chính… Tài khoản này dùng để phản ánh tình hình thanh toán về các khoản nợ phải thanh toán của doanh nghiệp. Tài khoản này không phản ánh các nghiệp vụ mua thanh toán ngay.
- TK 112 đây là tài khoản tiền gửi của doanh nghiệp tại ngân hàng.
- TK 6428, ngoài các chi phí đã kể trên thì đây là tài khoản phản ánh các chi phí khác của doanh nghiệp như chi phí hội nghị, tàu xe, tiếp khách…
Hạch toán phí chuyển tiền qua ngân hàng đối với người thu tiền chịu phí
Hạch toán trong trường hợp này là người bán là đối tượng chịu phí chuyển tiền. Lúc này ngân hàng sẽ trừ trực tiếp vào số tiền đã thu được của người bán.
Ví dụ: Thu tiền của khách hàng: 90 triệu và phí chuyển tiền 22 ngàn. Thì khi thực hiện hạch toán sẽ có 2 trường hợp như sau:

Trong trường hợp nếu các bạn lập chứng từ Thu tiền gửi, thì khi thực hiện hạch toán thêm dòng phí chuyển tiền qua ngân hàng phía dưới.
- Nợ TK 112 / Có TK 131: 89 triệu 978 ngàn
- Nợ TK 6428 / Có TK 131: 22 ngàn
Còn nếu như các bạn lập phiếu Thu tiền gửi từ khách hàng thì khi hạch toán phí chuyển tiền qua ngân hàng phải lập thêm Ủy nhiệm chi mới.
- Nợ TK 112 / Có TK 131: 90 triệu
- Nợ TK 6428 / Có TK 112: 22 ngàn
Dựa trên Thông tư 200/2014/TT – BTC thì
- TK 112 đây là tài khoản tiền gửi của doanh nghiệp tại ngân hàng.
- TK 131 là tài khoản phải thu của khách hàng như tiền bán sản phẩm, hàng hóa, các khoản đầu tư tài chính, cung cấp dịch vụ. Tài khoản này phản ánh các khoản nợ phải thu và tình hình thanh toán các khoản nợ phải thu của khách hàng. Tài khoản này không phản ánh các nghiệp vụ thu tiền ngay.
- TK 6428, ngoài các chi phí đã kể trên đây là tài khoản phản ánh các chi phí khác thuộc quản lý chung của doanh nghiệp như: Chi phí hội nghị, tiếp khách, tàu xe, …
Quy trình thực hiện hạch toán phí chuyển tiền ngân hàng
Khi thực hiện giao dịch chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng này sang tài khoản ngân hàng khác thì phí chuyển tiền ngân hàng được tiến hành hạch toán theo quy trình như sau:

- Bước 1: Trước khi chuyển sang kế toán trưởng hay giám đốc ký duyệt thì kế toán thanh toán tiến hành lập một trong các chứng từ như ủy nhiệm chi, lệnh chuyển tiền hay séc chuyển khoản.
- Bước 2: Sau khi ngân hàng nhận được ủy nhiệm chi, lệnh chuyển tiền hay séc chuyển khoản từ phía người gửi, ngân hàng sẽ căn cứ vào chứng từ trên để tiến hành thực hiện chuyển số tiền từ tài khoản người gửi qua tài khoản người được thụ hưởng.
- Bước 3: Sau khi lệch được thực hiện thành công, ngân hàng nơi người chuyển tiền sẽ lập giấy báo Nợ hoặc chứng từ hạch toán. Còn phía ngân hàng nơi nhận tiền sẽ lập giấy báo Có. Tất cả các chứng từ này đều được gửi về cho kế toán doanh nghiệp.
- Bước 4: Kế toán doanh nghiệp sẽ căn cứ vào những tài liệu được gửi từ phía ngân hàng tiến hành ghi vào Sổ tiền gửi ngân hàng và tiến hành hạch toán phí chuyển tiền ngân hàng vào chi phí hoạt động của doanh nghiệp theo hai bước:
- Hạch toán với chứng từ chuyển tiền nội bộ. Ghi chi tiết cụ thể các thông tin liên quan đến số tài khoản chuyển tiền và tài khoản nhận tiền.
- Hạch toán phí chuyển tiền. Ghi chi tiết cụ thể các thông tin bao gồm phương thức thanh toán và tài khoản nào phải chịu phí chuyển tiền.
Lời kết
Qua bài viết trên chúng tôi đã chia sẻ đến các bạn cách hạch toán phí chuyển tiền qua ngân hàng theo từng trường hợp khác nhau một cách chi tiết cụ thể theo đúng quy định của nghiệp vụ kế toán. Hy vọng với bài viết này trên đây sẽ giúp ích cho các bạn!