Khi đi trên đường, và đặc biệt là các con đường lớn, chúng ta sẽ thường xuyên gặp các loại vạch kẻ trên đường. Điều này có thể khiến cho nhiều người tham gia giao thông cảm thấy bỡ ngỡ và thắc mắc về tác dụng của chúng. Hôm nay, tôi sẽ giải thích chi tiết về ý nghĩa của các màu sắc và kích thước vạch kẻ đường ở trong bài viết này.

Kích thước vạch kẻ đường
Vạch kẻ đường là gì?
Vạch kẻ đường là một dạng dùng để báo hiệu đường bộ nhằm hướng dẫn và điều khiển giao thông. Chính vì vậy, để nâng cao sự an toàn cũng như khả năng lưu thông của xe, thì người điều khiển xe tham gia giao thông cần chấp hành đúng vạch kẻ đường.
Vạch kẻ đường gồm 2 loại: là vạch đứng và vạch nằm ngang. Trong đó, vạch nằm ngang bao gồm có vạch ngang đường, vạch dọc đường cùng một số loại vạch khác nằm trong quy định phần đường cho xe di chuyển. Đa số các vạch kẻ đường đều được sơn màu trắng, trừ một số loại sẽ được sơn màu vàng.
Vạch kẻ đường có thể dùng độc lập hoặc là kết hợp với biển báo hiệu đường bộ và đèn tín hiệu giao thông. Đối với vạch kẻ đường độc lập, thì người điều khiển cần thực hiện theo đúng chỉ dẫn của vạch kẻ. Còn trường hợp vừa có vạch kẻ đường và vừa có biển báo hay đèn tín hiệu thì người điều khiển phương tiện phải tuân thủ theo thứ tự như sau:
- Hiệu lệnh từ người phụ trách điều phối giao thông.
- Hiệu lệnh từ đèn tín hiệu.
- Hiệu lệnh biển báo giao thông.
- Hiệu lệnh của vạch kẻ trên đường.
Quy định chung đối với các vạch kẻ đường
- Vạch kẻ đường gồm các loại vạch, hình vẽ và chữ viết ở trên mặt đường, thành vỉa hè hay trên một số công trình giao thông và một vài bộ phận khác của đường nhằm đảm bảo được trật tự giao thông.
- Vạch phải đảm bảo không cao quá so với mặt đường 6mm, đảm bảo cho xe chạy êm trên đường và đảm bảo được độ bám giữa lốp xe với mặt đường.
- Vạch phải có ý nghĩa báo hiệu thống nhất cũng như bổ trợ cho các đèn tín hiệu và biển báo.
- Các loại đường cao tốc và đường có tốc độ V85 từ 80 km/h trở lên hoặc đường có tốc độ thiết kế ≥ 60 km/h thì vạch kẻ đường sẽ bắt buộc phải có tác dụng phản quang.

Kích thước vạch kẻ đường giao thông ở nước ta
Nhóm vạch phân chia (vạch phân chia hai chiều xe chạy)
- Vạch chia tim đường ở dạng đơn, nét đứt: Vạch rộng 15cm với chiều dài đoạn liền từ 1 – 3m, và khoảng trống dài 2 – 6m (gấp đôi đoạn liền).
- Vạch chia tim đường ở dạng đơn, nét liền: Chiều rộng là 15 cm.
- Vạch chia tim đường ở dạng đôi, nét liền: Mỗi vạch có bề rộng 15cm, khoảng cách giữa hai vạch từ 15 – 50cm.
- Vạch chia tim đường ở dạng đôi, 1 nét liền và 1 nét đứt: Mỗi vạch đều có chiều rộng là 15cm, khoảng cách giữa hai vạch từ 15 – 50cm. Riêng vạch nét đứt, đoạn liền dài là 1 – 3m, khoảng trống dài là 2 – 6m (gấp đôi đoạn liền).
- Vạch xác định ranh giới các làn đường, cũng có thể thay đổi hướng xe chạy: Chiều rộng 15cm, khoảng cách hai vạch là 15 – 20cm, đoạn liền dài từ 1 – 2m, khoảng trống dài từ 3 – 6m (dài gấp 3 lần đoạn liền).
Nhóm vạch phân chia làn xe chạy cùng 1 chiều
- Vạch phân chia làn cùng chiều ở dạng đơn, nét đứt: Bề rộng 15cm, đoạn nét liền có chiều dài là 1 – 3m, khoảng trống dài là 3 – 6 m (gấp 3 lần đoạn liền).
- Vạch phân chia làn cùng chiều ở dạng đơn, nét liền: Chiều rộng vạch 15cm.
- Vạch giới hạn làn đường ưu tiên, nét đứt hay nét liền: Chiều rộng 30cm. Với vạch đứt nét cùng chiều rộng nét liền bằng khoảng trống là 1 – 2 m.
Vạch giới hạn mép cho phần đường xe chạy
- Vạch đơn, nét liền: Có chiều rộng vạch là 15 – 20cm.
- Vạch đơn, nét đứt: Có chiều rộng vạch là 15 – 20cm, đoạn liền dài là 0,6m và khoảng trống dài 0,6 m.

Kết luận
Như vậy, vạch kẻ đường trong giao thông có nhiều loại và mỗi loại đều mang ý nghĩa và kích thước vạch kẻ đường khác nhau. Do đó, bạn cần phải nắm rõ các kiến thức có liên quan đến vạch kẻ đường, thực hiện đúng luật cũng như không bị bỡ ngỡ khi lưu thông trên đường.